Dù những quả cà chua đã bị úng, bốc mùi thối nhưng trông rất bắt mắt, và được các tiểu thương "tiêu thụ" tốt, và phần lớn "bến đỗ" là các quán ăn uống bình dân.
Theo một số nguồn tin về
an toàn vệ sinh thực phẩm gần đây đưa tin, dù cà chua bị thối, rỉ nước,… nhưng da quả cà chua vẫn tươi bóng, bắt mắt, thu hút người mua và vẫn được các tiểu thương cân bán cho những cửa hàng ăn uống bình dân.
Cà chua thối vẫn tiêu thụ tốt…
Theo ghi nhận của các phòng viên (PV) tại các chợ đầu mối Hà Nội như: Dịch Vọng (Cầu Giấy), Minh Khai (Bắc Từ Liêm), chợ tạm… cà chua có giá từ 5.000 đến 15.000 đồng/kg. Cà chua càng to mọng, đỏ tươi thì giá càng đắt, loại nhỏ sần sùi hay thối úng, dập nát giá chỉ vài nghìn đồng, thậm chí cà chua thối vẫn được tiểu thương bán với giá 5.000 đồng/kg.
Vào mỗi buổi sáng sớm tại chợ Minh Khai, nườm nượp người mua với số lượng lớn về bán tại các chợ tạm hay các quán ăn uống bình dân. Tại đây, cà chua được phân thành nhiều loại như: loại tươi, mềm và loại úng thối. Mỗi loại như vậy sẽ có mức giá bán khác nhau.
Trong vai người mua hàng, PV quan sát một gian hàng, tiểu thương khẳng định 100% cà chua xuất xứ từ Đà Lạt (Lâm Đồng), không chứa chất kích thích hay dùng chất bảo quản,… cùng lời khẳng định “Để hàng chục ngày vẫn tươi ngon”. Thế nhưng trên thực tế, dù bề ngoài cà chưa rất tươi, đỏ mọng bắt mắt mắt, nhưng khi nắn thử lại rất cứng như…bị chín ép.
Ngược lại, những quả cà chua thối, dập nát, rỉ nước bốc mùi hôi thối vẫn được bà này chào bán với giá 5.000 đồng/kg, mua số lượng lớn được giả giá một nửa. Dù bị thối úng, nhưng phần da vẫn tươi rói, bắt mắt. Khi được PV đặt câu hỏi, tiểu thương hậm hực “Có tiền thì mua loại cà chua ngon mà ăn, sao phải mua loại thối làm gì. Loại thối này bán 5.000 đồng/kg còn chê đắt nổi gì, không mua thì để người khác mua”.
Tại các chợ cóc (chợ tự phát), cà chua thối vẫn có giá từ 8.000 đồng/kg, kèm theo đó là lời khẳng định cà chua sạch, tươi ngon.
…Và ‘bến đỗ’ là các quán ăn uống bình dân
Theo lời của người dân cho biết, hầu hết các quán ăn, quán bún, phở đều mua cà chua thối về chế biến món ăn, bán kiếm lời. Nhiều cơ sở thì thu mua về làm tương ớt bán ra thị trường. Cô Liên – bán trà đá ở khu vực chợ Minh Khai cho than thở: “Sống lâu năm ở đây nên tôi biết, hiện nay các quán ăn toàn mua thực phẩm ôi thiu, thối nát về chế biến để kiếm lời. Một bát bún giá từ 20.000 – 30.000 đồng là quá lời, chỉ khổ người ăn mù mờ không biết mới mang họa vào thân”.
Gây hoang mang cho người tiêu dùng
Theo lời chị Trâm (Cầu Diễn), hầu hết cà chua bán tại chợ đều là hàng Trung Quốc ngâm đầy chất bảo quản, chất kích thích,… nên dù để cả tháng trời vẫn không hỏng. Chị ngán ngẩm: “Mua đồ ăn bây giờ sợ quá, trái cà chua nhìn to căng mọng nhưng nấu mãi vẫn không nhừ, nhiều quả còn bị thối cả bên trong”.
Cần xử lý nghiêm những cơ sở ăn uống nếu phát hiện vi phạm
Theo chuyên gia y tế, việc lạm dụng chất bảo quản trong rau quả sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Trong chất bảo quản có chứa Formaldehyt (còn gọi là foc-môn) là một chất cực độc, có thể gây tử vong. Đây là một hợp chất vẫn được dùng để…ướp xác. Nếu sử dụng hóa chất này để xử lý thực phẩm sẽ lưu lại trong thời gian rất lâu nhưng tác hại của nó gây ra thì vô cùng to lớn.
Do đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc hơn trong việc xử lý những cơ sở vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ sở kinh doanh ăn uống, ngoài việc bắt buộc có
giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan chức năng cấp, thì các món ăn làm ra phải luôn tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
An Chi Phương t/h.